Thứ năm, ngày 24 tháng 04 năm 2025
Cập nhật lúc: 24/01/2024

UBND xã Cư Prông tổ chức họp triển khai thực hiện Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ III năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện tại Kế hoạch số 05/KH-UBND, ngày 10/01/2024  về tổ chức Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ III, năm 2024 (viết tắt là Ngày hội) và Công văn số 102/UBND-VP, ngày 12/02/2024 về phối hợp thực hiện nội dung Không gian văn hóa tại Ngày hội. Trong đó, UBND huyện giao UBND xã Cư Prông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc tại Ngày hội.

Sáng ngày 22/01/2024, UBND xã Cư Prông đã tổ chức cuộc họp để bàn bạc, thống nhất việc triển khai thực hiện. Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực Đảng ủy, UBND, UBMTTQ, các đoàn thể xã Cư Prông và đại diện Lãnh đạo UBND, công chức Văn hóa – Xã hội các xã Cư Elang, Cư Yang, Ea Sar (đại biểu của UBND xã Ea Sô, UBND xã Cư Bông vắng có lý do). Tại cuộc họp, đại biểu các đơn vị, địa phương đã bàn bạc, thảo luận và cùng thống nhất các nội dung triển khai thực hiện. 

1

Đại biểu các địa phương tham dự cuộc họp

Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc có diện tích gần 1.700m2, với bố cục không gian các khu chức năng như sau: Khu vực 1 gồm cổng, hàng rào làm bằng vật liệu tranh, tre, nứa….; Khu vực 2 gồm khoảng sân chính giữa bố trí tạo cảnh quan và các hạng mục như: Khu giới thiệu các trò chơi dân gian, cây xanh, nhà chòi, tiểu cảnh, decor tết chụp hình lưu niệm…; Khu vực 3 bố trí trưng bày các vật dụng, đồ vật sinh hoạt, sản xuất, nhạc cụ, trang phục truyền thống, triển lãm tranh và trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của địa phương); Khu vực 4 bố trí dãy gian hàng ẩm thực theo hướng trải nghiệm, chế biến và bày bán các món ăn truyền thống của các dân tộc như bánh dầy, bánh tro, xôi ngũ sắc, khẩu nhục, thắng cố, heo quay…; Khu vực 5 sân khấu phụ để biểu diễn của Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc. 

2

Sơ đồ chi tiết bố trí Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc

Có 6 dân tộc được thể hiện trong Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc và được thống nhất giao cụ thể cho từng địa phương phụ trách thực hiện gồm Dân tộc Nùng (xã Cư Prông); Dân tộc Tày (xã Cư Yang); Dân tộc Thái (xã Ea Sar); Dân tộc Mường (xã Ea Sô); Dân tộc Dao (xã Cư Elang); Dân tộc Mông (xã Cư Bông). 

UBND xã Cư Prông là đơn vị chủ trì, có trách nhiệm triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất. UBND các xã Ea Sar, Ea Sô, Cư Bông, Cư Yang, Cư Elang bố trí nhân lực tham gia phối hợp theo yêu cầu của đơn vị chủ trì. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật, chuyên môn.

3

4

Đại biểu đi khảo sát thực tế khu vực tổ chức Ngày hội

Cuộc họp cũng thống nhất mỗi xã có trách nhiệm sưu tầm, thu gom các vật dụng, trang phục, đạo cụ truyền thống của dân tộc mình phụ trách thực hiện. Yêu cầu mỗi xã có ít nhất 10 vật dụng, đồ dùng sinh hoạt, sản xuất truyền thống; ít nhất có 02 nhạc cụ truyền thống; ít nhất có từ 03 đến 04 bộ trang phục truyền thống (Yêu cầu có gắn biển bảng chú thích cho từng hiện vật, nhạc cụ, trang phục). Đối với việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu phóng sự để trưng bày, UBND xã Cư Prông sẽ chủ động triển khai, các địa phương bổ sung, cho ý kiến hoàn chỉnh. Về đăng ký gian hàng ẩm thực truyền thống, mỗi xã đăng ký thực hiện ít nhất 1 gian hàng ẩm thực theo hướng trải nghiệm (yêu cầu mặc trang phục truyền thống của các dân tộc và bán đúng giá niêm yết). Đối với các hoạt động trong khu giới thiệu trò chơi dân gian có các môn: leo cột mỡ, bịt mắt bắt vịt, ném vòng cổ vịt, đi cầu kiều trên cạn, bịt mắt đập niêu… Các địa phương thống nhất giao cho Đoàn thanh niên của 6 xã tham gia; cách thức chia làm 3 cặp, mỗi cặp gồm 2 đơn vị giao lưu thi đấu tất cả các trò chơi trong vòng 1 ngày từ sáng đến tối, đến ngày hôm sau sẽ chuyển sang 02 đơn vị khác cho đến hết Ngày hội. Mỗi ngày một trò chơi phải duy trì có tối thiểu 6 cặp đấu giao lưu vào các khung giờ cố định: Sáng 3 cặp, chiều 3 cặp (có thể giao lưu nhiều cặp đấu hơn nếu 02 đơn vị cùng thống nhất), thời gian trống giữa các cặp đấu sẽ hướng dẫn cho nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian. Về chương trình biểu diễn văn hóa văn nghệ trong Không gian văn hóa, các đơn vị thống nhất phục dựng 03 nghi lễ để biểu diễn gồm: UBND xã Cư Prông phục dựng “Nghi lễ cưới hỏi của người Nùng Lạng Sơn”, UBND xãCư Elang phục dựng “Nghi lễ cúng đầu mùa của người Dao” và UBND xã Ea Sar phục dựng “Nghi lễ cúng cơm Tết cổ truyền của người Thái”. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị có trách nhiệm chuẩn bị tối thiểu 6 tiết mục văn nghệ đặc sắc khác để biểu diễn giao lưu xuyên suốt tại sân khấu Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc. Tại cuộc họp các đơn vị, địa phương cũng xác định cụ thể các công việc, nhiệm vụ liên quan đến công tác phối hợp cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan; thống nhất việc lập danh sách cán bộ đầu mối và lập nhóm zalo để thông tin, phối hợp, trao đổi triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời xác định các mốc thời gian thực hiện về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất như sau: 

- Từ nay đến ngày 07/02/2024 (tức ngày 25/12 Âm lịch) UBND xã Cư Prông triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, công việc liên quan đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất.

- Từ ngày 08/02/2024 đến ngày 10/02/2024 (tức là từ ngày 26/12 đến 28/12 Âm lịch) cơ bản hoàn thành các công việc, nhiệm vụ và tổng duyệt.

- Từ sáng đến chiều ngày 14/02/2024 (Tức ngày 05/01 Âm lịch) Tất cả 06 xã bố trí nhân lực (tối thiểu 05 người/xã) vào khu vực Ngày hội để phối hợp triển khai hoàn chỉnh cơ sở vật chất và bố trí Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc.

Về kinh phí thực hiện Không gian văn hóa các dân tộc phía Bắc do UBND xã Cư Prông xây dựng dự toán chi tiết và xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình UBND huyện xem xét hỗ trợ. Đối với các tiết mục văn nghệ tham gia biểu diễn tại Không gian văn hóa do các đơn vị, địa phương tự túc thực hiện.

Có thể nói, Không văn văn hóa các dân tộc phía Bắc cùng với Không gian văn hóa Tây Nguyên và Không gian văn hóa gắn với hội nhập và phát triển của Ngành giáo dục huyện tại Ngày hội hứa hẹn sẽ là những điểm đến văn hóa vô cùng hấp dẫn cho nhân dân và du khách với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và các trò chơi dân gian thú vị. Đây là nội dung mới được UBND huyện, Ban tổ chức Ngày hội huyện chỉ đạo thực hiện với mục đích tạo ra những điểm nhấn ấn tượng đáng nhớ cho du khách gần xa biết đến trong hành trình tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ III năm 2024.

                                                                                BST                                              

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang